Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới đang tiến vào kỷ nguyên năng lượng giá rẻ trong bối cảnh việc chuyển dịch sang sử dụng điện năng tạo ra lượng dầu và khí đốt dư thừa.
Trong báo cáo thường niên về triển vọng dài hạn, IEA dự báo nhu cầu toàn cầu đối với tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch sẽ ngừng tăng trong thập niên này, trong khi nguồn cung dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dự kiến sẽ tăng. Đồng thời, nhu cầu tiêu thụ điện năng, trong đó Trung Quốc dẫn đầu, đang trên đà tăng tốc.
Trong một cuộc phỏng vấn, Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol, cho biết “Thế giới sắp bước vào một giai đoạn mới của thị trường năng lượng trong nửa cuối thập kỷ này do nguồn cung-cầu dầu và khí đang dần cân bằng hơn. Nếu không xảy ra các xung đột địa chính trị lớn, thế giới sẽ bước vào một giai đoạn mà giá cả sẽ chịu áp lực giảm mạnh.
Đây sẽ là một bước ngoặt so với những năm đầu thập kỷ, khi giá năng lượng tăng vọt sau khi xảy ra xung đột Nga- Ukraine năm 2022 đẩy lạm phát tăng vọt. Giá năng lượng đã cho thấy một số dấu hiệu hạ nhiệt, với giá dầu thô kỳ hạn giảm 20% so với mức cao nhất trong năm nay xuống dưới 75 USD/thùng, bất chấp cuộc xung đột có nguy cơ lan rộng ở Trung Đông.
Theo IEA, trong thập kỷ qua, tốc độ tăng tiêu thụ điện cao hơn hai lần so với tổng nhu cầu năng lượng. Tỷ lệ này sẽ tăng gấp sáu lần trong 10 năm tới, chủ yếu do sự thúc đẩy từ Trung Quốc. Xe điện sẽ chiếm 50% doanh số bán xe ô tô mới trên toàn cầu vào năm 2030, tăng so với mức 20% hiện nay.
Ông Birol cho hay trong lịch sử năng lượng, thế giới đã chứng kiến Kỷ nguyên Than đá và Kỷ nguyên Dầu mỏ, và giờ đây chúng ta đang tiến vào Kỷ nguyên Điện năng với tốc độ nhanh chóng.
IEA nhấn mạnh quan điểm rằng nhu cầu dầu và khí đốt sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này. Tuy nhiên, nguồn cung dầu đang tăng lên do sản lượng mới từ Mỹ, Brazil, Canada và Guyana, và có một “làn sóng” dự án khí tự nhiên hóa lỏng đang đến.
Theo báo cáo, thế giới sẽ được bổ sung khoảng 270 tỷ m3 LNG mới vào năm 2030. Ngay cả một số công nghệ năng lượng sạch, như năng lượng Mặt trời quang điện, cũng sẽ chứng kiến sản lượng dư thừa.
Giá dầu thô có thể tiếp tục giao dịch trong khoảng từ 75- 80 USD/thùng, nhưng chỉ khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) tiếp tục kiềm chế sản lượng. OPEC+ hiện đang nắm giữ lượng dự trữ năng lực kỷ lục khoảng 6 triệu thùng/ngày sau một loạt đợt cắt giảm sản lượng, một con số mà IEA dự kiến sẽ đạt 8 triệu thùng vào năm 2030.
Báo cáo cho rằng sự trỗi dậy của xe điện đang khiến các nhà sản xuất dầu “lúng túng”. Tuy nhiên, một số người trong ngành năng lượng không tin rằng kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch sẽ kết thúc sớm như vậy.
Một số công ty dầu mỏ lớn đã quay trở lại với kinh doanh truyền thống sau một thời gian ngắn tập trung vào năng lượng tái tạo, trong đó tập đoàn dầu khí Anh BP Plc tuần trước đã từ bỏ mục tiêu cắt giảm sản lượng dầu và khí đốt vào năm 2030. Ngân hàng Goldman Sachs Group Inc. dự báo nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2034.
Theo IEA, lượng khí thải CO2 toàn cầu “sẽ đạt đỉnh trong thời gian sớm nhất”, trong khi hơn 50% lượng điện của thế giới sẽ được tạo ra từ các nguồn phát thải thấp vào năm 2030.
Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo rằng thế giới vẫn chưa đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu môi trường quốc tế. Đến cuối thế kỷ, nhiệt độ dự kiến sẽ tăng 2,4 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp, thay vì mức giới hạn 1,5 độ C được nêu ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ Trái Đất đã tăng cao kỷ lục trong năm nay do thời tiết cực đoan từ các đợt nắng nóng chết người ở Ấn Độ đến những trận lũ lụt tàn phá khắp châu Phi và châu Âu, và cháy rừng từ Hy Lạp đến rừng Amazon của Brazil.
IEA cảnh báo chi phí do không có hành động chống biến đổi khí hậu ngày càng tăng cao trong bối cảnh lượng khí thải tích tụ trong khí quyển và thời tiết cực đoan có thể khiến thế giới trả một cái giá không thể lường trước được.